Tàu ngầm Thổ áp sát bờ biển Hy Lạp
Theo tờ Greek City Times, so với tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu ngầm của Hy Lạp có một ưu thế vượt trội “không thể phủ nhận”. Đó là điều mà viên thiếu tá hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ – chỉ huy tàu ngầm Type 209 mang công nghệ đời cũ do Đức chế tạo – đã phát hiện ra.
Vào đêm 19/8 vừa qua, tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch thực hiện một hành trình “bất hợp pháp” gần Evia – hòn đảo nối với lục địa Hy Lạp chỉ với một cây cầu. Đặc biệt, tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ muốn di chuyển giữa hai vùng Andros và Kafireas để thử phản ứng của Hy Lạp.
Tờ Greek City Times mô tả: “Ngày 19/8 là một ngày tràn ngập những hành động khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông nam biển Aegean.
Vài giờ trước đó, khinh hạm Kemal Reis của Thổ Nhĩ Kỳ, vì muốn khiêu khích lực lượng Hy Lạp đang làm nhiệm vụ giám sát hoạt động tàu nghiên cứu Oruç Reis [của Thổ], nên đã cố tình đâm vào khinh hạm Limnos của Hy Lạp. Ngặt nỗi, chính con tàu của Thổ lại bị hư hại nghiêm trọng”.
Chỉ huy tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ toàn bộ lực lượng hải quân Hy Lạp sẽ tập trung tại khu vực mà Ankara đã tuyên bố một cách phi pháp rằng nước này sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu địa chấn và giám sát xem liệu tàu Oruç Reis có đặt được dây cáp trên thềm lục địa của Hy Lạp hay không.
Do đó, chiếc tàu ngầm của Thổ lên kế hoạch áp sát bờ biển Hy Lạp, chắc mẩm rằng mình sẽ không bị phát hiện và đồng thời thử được phản ứng của Hải quân Hy Lạp.
“Đêm ác mộng” với tàu ngầm của Thổ
Ngay khi màn đêm buông xuống, tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ liên tục lặn xuống ngoài khơi Andros. Theo một sĩ quan hải quân cấp cao của Hy Lạp, phía Thổ cho rằng họ sẽ khiến giới chức quân sự Hy Lạp phải ngỡ ngàng.
Thế nhưng, phía Thổ không ngờ rằng, mặc dù tàu ngầm của họ đã lặn xuống độ sâu 120m nhưng lực lượng chống ngầm Hy Lạp đã gần như ngay lập tức phát hiện ra nó. Chỉ trong vỏn vẹn 1 phút, tàu ngầm “tàng hình”, cùng các trực thăng chống ngầm Sikorski SH-70 của Hy Lạp đã lần ra vị trí của tàu ngầm Thổ. Họ bắt đầu buộc nó phải lộ diện.
“Chắc không ai muốn ở trong vị trí của chỉ huy tàu ngầm Thổ lúc này, bởi gần như suốt cả đêm, trực thăng và tàu ngầm của Hy Lạp đều liên tiếp ‘tấn công’ tàu ngầm Thổ bằng tần số sonar lớn” – Greek City Times viết.
Khi trực thăng Sikorski càng áp sát mặt biển thì âm thanh của tần số sonar lại càng lớn hơn. Điều quan trọng là, chiếc tàu ngầm của Thổ không hề biết âm thanh này từ đâu phát ra. Họ biết đó là tần số sonar, nhưng ai đang “tấn công” và “tấn công từ hướng nào”?, họ hoàn toàn không đoán biết được gì cả.
Theo Greek City Times, có một sự thật cần phải thừa nhận, đó là tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ không phát hiện ra các trực thăng Sikorski, mà còn không nhận thức được sự hiện diện của tàu ngầm tàng hình Type 214 “Papanikolis” của Hy Lạp.
Trong số 11 tàu ngầm của Hy Lạp, có 4 chiếc tàu ngầm tiên tiến Type 214 “Papanikolis” do Đức sản xuất. Bên cạnh đó, còn có một chiếc thứ 5, gọi là “Ocean”, được nâng cấp và có khả năng hoạt động tương tự như 4 chiếc Type 214 còn lại.
Tàu ngầm Type 214 của Hy Lạp
Có thể thấy, tàu ngầm Type 214 của Hy Lạp và Type 209 của Thổ đều do Đức sản xuất. Nhưng tàu ngầm của Hy Lạp vượt trội ở điểm nào?
Tờ Greek City Times cho biết, Type 214 có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 400m, nó rất êm ái và có hệ thống đẩy sử dụng oxy lỏng, tức là nó không cần ngoi lên mặt nước để tái nạp pin. Và tất nhiên, các tàu Type 214 được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, giúp chúng chiếm ưu thế áp đảo ử biển Aegean.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có tổng cộng 12 tàu ngầm nhưng thuộc công nghệ cũ. Ankara đã đặt mua 6 tàu ngầm Type 214 từ Đức nhưng chưa được chuyển giao.
Cũng theo Greek City Times, các trực thăng Sikorski của Hy Lạp, và thậm chí loại cũ hơn là AB-212, không chỉ có hệ thống sonar và phát hiện tàu ngầm, mà còn được trang bị ngư lôi.
“Đây là điều mà viên chỉ huy tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thấy rõ. Con tàu đã nhanh chóng tẩu thoát khỏi lãnh hải Hy Lạp ngay khi có thể”– Greek City Times viết.
Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng sau khi Ankara triển khai tàu thăm dò Oruc Reis cùng ít nhất 6 chiến hạm mang tên lửa hộ tống tiến hành hoạt động thăm dò tại vùng biển giữa đảo Crete và Cyprus, khu vực tranh chấp với Hy Lạp. Athens cho rằng hoạt động thăm dò của tàu Oruc Reis là bất hợp pháp.
Cách đây không lâu, Quân đội Hy Lạp đã chuyển sang trạng thái báo động cao, toàn bộ sĩ quan hải quân và không quân đang đi nghỉ được lệnh về đơn vị trực chiến. Athens tuyên bố các hòn đảo của mình, dù nhỏ đến đâu, đều có thềm lục địa riêng.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng điều này có thể khiến biển Aegean biến thành “một cái ao làng của Hy Lạp”, khẳng định “hoàn toàn không chấp nhận” điều này với tư cách là một cường quốc khu vực và không từ bỏ bất cứ lợi ích về dầu khí nào.
Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dọa sẽ trả đũa nếu bất cứ ai tấn công tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis của nước này đang thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp tại Địa Trung Hải.
Về diễn biến mới nhất liên quan tới cuộc giằng co giữa tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng săn ngầm Hy Lạp, hiện Ankara chưa đưa bình luận nào.