Tìm kiếm những chiếc xe tăng Việt Nam mất tích giữa rừng Trường Sơn
Sau khi đất nước thống nhất, Bộ tư lệnh tăng thiết giáp đã tổ chức đội tìm kiếm những chiếc xe tăng Việt Nam mất tích giữa rừng Trường Sơn nhằm khôi phục lại những chiếc xe tăng thiết giáp bị hư hỏng trên đường đi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Trên đường hành quân ra chiến trường, không hiếm trường hợp những chiếc xe tăng bị hỏng hóc vượt quá khả năng tự khắc phục của đơn vị đành bỏ lại dọc đường. Ngoài ra còn có những chiếc xe tăng tham gia các trận đánh và bị phá hủy. Việc tìm kiếm, khôi phục chúng đặt lên vai những người thợ sửa chữa lưu động.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, tháng 9.1975 Bộ Tư lệnh Tăng Thiết Giáp (TTG) thành lập đội sửa chữa lưu động gồm 34 người, do Thượng úy Trần Như Tuy làm đội trưởng, Nguyễn Vạn làm chính trị viên, Bùi Quang Nhự làm đội phó kỹ thuật với nhiệm vụ là tìm kiếm những chiếc xe tăng Việt Nam mất tích giữa rừng Trường Sơn.
Trong các cuộc hành quân với xe tăng, tuyến đường đi chủ yếu theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nằm trên đất Lào. Nhiệm vụ của đội là tìm kiếm và khôi phục lại những chiếc xe tăng, thiết giáp do hư hỏng và bị bỏ lại bên đất Lào. Đội được trang bị 3 xe công trình, 3 xe tải chở khí tài, dụng cụ. Mọi công tác bảo đảm do Đoàn 559 thực hiện.
Tuy nhiên, gia tài đáng quý nhất của đội mà lúc nào cũng được đội trưởng Trần Như Tuy giữ khư khư chính là 1 tấm bản đồ và mấy bản sơ đồ viết tay mà trên đó có đánh dấu vị trí những chiếc xe tăng bị bỏ lại dọc đường.
Căn cứ vào bản đồ, đội đến đóng quân ở bản Ken Kavao thuộc tỉnh Xa-van-na-khẹt (Nam Lào)- là vị trí khá trung tâm và bắt đầu tổ chức tìm kiếm. Mặc dù có bản đồ song vì lý do các con đường thời chiến luôn thay đổi, có khi nền đường cũ- mới cách xa nhau đến hàng cây số nên công việc tìm kiếm không hề dễ dàng. Bản đồ thì cũng chỉ thể hiện một cách tương đối địa hình, địa vật vào thời điểm nó được đo vẽ mà thôi.
Vì vậy, có con đường hoặc bản làng rõ ràng đang có trong thực tế song không hề thấy thể hiện trên bản đồ. Ngược lại, có những con đường, bản làng có trên bản đồ thì ngoài thực địa lại là rừng xanh, núi đỏ. Vì vậy, ngoài việc tìm kiếm trên bản đồ, một trong những cách hữu hiệu nhất mà đội đã sử dụng là tìm hiểu qua người dân bản địa.
Vừa tra cứu trên bản đồ, sơ đồ vừa hỏi dân và sau đó là nhờ bà con người bản địa dẫn đường mà đội đã tìm được chiếc xe T-34 đã bị bỏ lại ở đây từ năm 1970. Chiếc xe nằm sâu trong rừng, cách con đường hiện tại hàng chục km. Đặc biệt, khi tìm được thì chiếc xe tăng đã bị dây leo phủ kín. Chỉ đứng cách chừng chục mét là không thể nhận biết được đó là một chiếc xe tăng.
Sau khi phát quang dây rợ, đội tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe. Do đã để lại lâu trong rừng, bị ảnh hưởng của mấy mùa mưa nắng nên một số linh kiện, thiết bị của xe đã bị hỏng. Sau khi kiểm tra cẩn thận, đội đã tiến hành đánh giá và lập ra danh mục các phụ tùng cần thay thế sau đó gửi ra Bộ Tư Lệnh Thiết Giáp. Sau khi phụ tùng được gửi vào lại, chỉ sau chưa đầy một tuần bắt tay vào việc sửa chữa, chiếc xe tăng T-34 đã nổ được máy và đã có thể di chuyển
Thời chiến, để đáp ứng yêu cầu có mặt nhanh nhất tại chiến trường nên khi gặp trường hợp xe hỏng hóc hoặc bị bom, vấp mìn phải bỏ lại thì mọi thứ thường làm gấp gáp và nhiều khi có phần quấy quá nữa.
Giữa lúc máy bay địch quần lượn trên đầu nhăm nhăm quăng bom xuống thì chả có ai còn lòng dạ nào đi tìm chỗ cao ráo, dễ nhận ra để kéo xe hỏng lên đó cho người sau dễ nhận biết cả.
Đơn giản nhất và nhanh nhất là ủi nó ra rìa đường để nhanh chóng thông xe và lên đường ngay lập tức. Đó chính là số phận của một chiếc PT-76 và một chiếc BTR-50PK mà đội tìm được trong tháng thứ hai của đợt công tác.
Đây là những chiếc xe tăng, xe thiết giáp hành quân vào chiến trường B2, B3 từ năm 1972 và bị trúng mìn phải nằm lại đấy. Điểm giống nhau của hai chiếc xe này là đã bị đất đá vùi lấp gần hết thân xe. Lý do là sau khi bị ủi ra vệ đường, trải qua mấy mùa mưa nắng và những lần mở đường, đất đá bị dồn xuống và lấp gần kín cả thân xe.
Sau khi đào bới cho lộ thân xe ra, đội đã dùng chiếc T34 vừa khôi phục được kéo từng chiếc lên.
Chiếc PT-76 này bị mìn nổ dưới bụng, đáy xe không bị thủng nhưng do sức ép tấm thép đáy xe bị đẩy vồng lên làm lệch trọng tâm các cụm máy trên xe. Ngoài ra nó cũng làm ảnh hưởng đến cơ cấu treo và cơ cấu dẫn động điều khiển.
Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật và thợ tay nghề cao, chỉ sau một tuần làm việc chiếc PT76 đã được hồi sinh trở về đội ngũ.
Còn chiếc thiết giáp BTR- 50PK cũng bị bỏ lại do dính mìn nhưng bị nặng hơn. Quả mìn chống tăng đã làm thủng một mảng bụng xe, bay mất trục bánh dẫn xích và một bánh chịu nặng. Ngoài ra, một số chi tiết, cụm máy của xe cũng đã bị tháo đi.
Giải pháp của đội đưa ra là hàn vá lại chỗ thủng, bổ sung những chi tiết, cấu trúc đã bị mất. Và cũng chỉ hơn một tuần làm việc, chiếc xe thiết giáp cũng đã được hồi sinh.
Mặc dù không được ghi trong bản đồ song qua câu chuyện của người dân bản địa đội trưởng Tuy được biết có một xe thiết giáp rơi xuống vực sâu cách đó không xa lắm. Đội đã quyết định lập một tổ khảo sát với các đày đủ các trang bị đi rừng được thành lập và lên đường ngay. Dù đã được người dân bản địa dẫn đường song cũng phải rất vất vả tổ khảo sát mới tới được nơi chiếc xe nằm. Đó là một chiếc thiết giáp bánh hơi kiểu BTR- 60PB bốn cầu do Liên Xô chế tạo.
Có thể trong quá trình di chuyển dọc theo bờ vực, chiếc xe thiết giáp BTR- 60PB bị lệch đường và lăn nhiều vòng và rơi xuống vực sâu vài trăm mét. Do va đập với vách núi nên tình trạng chiếc xe bọc thép rất tệ hại. Cả 8 bánh xe, trục tuyền lực đều hư hỏng và không thể phục hồi. Ngoài ra, các cụm máy, cụm chi tiết cũng bị gãy vỡ, xô lệch, lệch trọng tâm hết sức nặng. Bên cạnh đó cũng không có đường để đưa xe lên. Vì vậy, đội đành bó tay với trường hợp này.
Điều đáng ngạc nhiên là trong xe vẫn còn tư trang của một vài đồng chí nhưng không hề thấy bộ hài cốt nào. Có lẽ do hành quân gấp quá nên quân ta đành chấp nhận đi ngay mà không lần xuống khe vực sâu để lấy tư trang.
Thế là sau hơn 3 tháng công tác, đội đã hoàn thành nhiệm vụ. Và niềm vui lớn nhất đối với những người thợ là đã đưa được 3 chiếc xe tăng Việt Nam đã trở về đội ngũ.