Vì sao Nga muốn cứng rắn với Ukraine và chiến thuật của Putin ?

0 196

Giới chức tình báo Mỹ ước tính Nga tập trung hơn 175.000 quân ở biên giới Ukraine, cùng hàng ngàn xe tăng, pháo tự hành, các các hệ thống tên lửa phòng không. Vậy vì sao Putin và Nga muốn cứng rắn với Ukraine ?

Những hành động gây hấn của Nga với Ukraine tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh, thậm chí có thể thổi bùng cuộc chiến lớn nhất kể từ Thế chiến 2.

Vì sao Ukraine trở thành trung tâm của xung đột ?

Năm 1991, Liên Xô tan rã và Ukraine rời Liên Bang Xô Viết để tuyên bố độc lập. Kể từ đó, các chính phủ Ukraine dần nghiên về phương Tây và bày tỏ mong muốn gia nhập NATO. Điều này khiến Nga phản đối vì như thế chiến tuyến của NATO sẽ được đặt sát biên giới của Nga

Cuộc chiến Nga Ukraine bùng phát vào năm 2014, khi không lâu sau cuộc đảo chính Maidan, Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở vùng Donbas (miền đông Ukraine). Cho đến nay, hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm và là cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ cuộc chiến vùng Balkan vào những năm 1990.

Thời điểm tấn công

Nhưng liệu ông Putin có chọn phương án tấn công, thời điểm tấn công hay không thì vẫn là điều chưa rõ ràng. Theo các chuyên gia quân sự đánh giá, khoảng thời gian tháng 1 và tháng 2 là “thời cơ vàng” để Nga tấn công vì càng để lâu, các tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine càng được củng cố. Một chuyên gia phân tích quân sự cho biết

“Theo thông tin chúng tôi nắm được, ông Putin vẫn chưa quyết định. Điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố bao gồm phản ứng của Mỹ và NATO, tình hình chiến sự vùng Donbass, ..”

Các yếu tố mà ông Putin có thể phải cân nhắc, bao gồm tình hình kinh tế, chính trị ở Ukraine và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Ukraine bao gồm : các biện pháp cấm vận Nga, viện trợ quân sự Ukraine, kể cả đưa quân LHQ đến can thiệp, …

Trong trường hợp Nga tấn công, đó có thể là một cuộc chiến tổng lực hoặc chiếm đóng một số vùng lãnh thổ của Ukraine. Sau đó ủng hộ các phe nổi dậy để từ đó tuyên bố ly khai giống như đã làm ở khu vực Donbass

Mỹ và NATO hành động ra sao ?

Trong một động thái trấn an Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định “Nga sẽ phải hứng chịu kết cục tồi tệ” nếu tấn công Ukraine. Nhưng ông Biden cũng nêu rõ lập trường không đưa quân đội Mỹ tới Ukraine để đối đầu với Nga. Điều đó có nghĩa rằng, Mỹ sẽ không trực tiếp đối đầu với quân đội Nga để tránh nguy cơ leo thang xung đột hạt nhân. Mỹ chỉ muốn hỗ trợ bằng cách hỗ trợ vũ khí. Mỹ gần đây thông báo chuyển lô vũ khí sát thương, gồm súng đạn và tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine. 

Lập trường của Mỹ đã rõ. Còn với khối NATO thì còn nhiều mâu thuẫn. Trong khi các quốc gia thuộc Liên Xô cũ gồm Litva, Estonia, Latvia và Anh muốn đưa quân hỗ trợ thì Đức và Pháp lại muốn đàm phá do vẫn giữ lợi ích kinh tế với Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Olesii Reznikov nói trên Financial Times (FT), rằng Berlin trong tháng qua nhiều lần ngăn Ukraine mua vũ khí theo chương trình hỗ trợ và mua sắm của NATO. Các vũ khí Ukraine muốn mua gồm vũ khí chống máy bay không người lái và hệ thống chống bắn tỉa.

Tuy nhiên, Đức đã phủ quyết ngăn không cho NATO bán các loại vũ khí trên, với lý do đây là các vũ khí sát thương.

“Họ vẫn xây đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 với Nga, đồng thời chặn các lô hàng vũ khí phòng vệ của chúng tôi. Điều này thật không công bằng”

Theo quan điểm của tướng lục quân Mỹ về hưu Kevin Ryan, có nhiều giải pháp để Mỹ đối phó với hành động gây hấn từ Nga, bao gồm giải pháp ngoại giao, trừng phạt kinh tế và biện pháp quân sự. Nói về biện pháp quân sự, tướng Ryan cho rằng, điều này có thể khiến Nga phải suy nghĩ lại về cơ hội thành công nếu phát động chiến dịch ở Ukraine.

Mỹ sẽ không trực tiếp đối đầu với quân đội Nga để tránh nguy cơ leo thang xung đột hạt nhân. Thay vào đó, Mỹ có thể hậu thuẫn cho Gruzia và Moldova phát động chiến dịch quân sự vào các khu tự trị do Nga bảo trợ, gồm Abkhazia giáp Biển Đen, Ossetia ở phía bắc Gruzia và Cộng hòa Transnistria giáp Ukraine. Tấn công các khu tự trị này về cơ bản không đe dọa Nga, do không phải là lãnh thổ Nga, tướng Ryan cho biết. Nhưng Nga phải phân tán lực lượng tới bảo vệ các khu vực trên, giúp giảm áp lực cho Ukraine. Mỹ cũng có thể đưa quân phong tỏa chặt vùng Kaliningrad, là lãnh thổ Nga nằm tách biệt, bao quanh bởi Ba Lan và Biển Baltic. 

Các giải pháp quân sự như trên sẽ khiến Nga tiêu tốn đáng kể nguồn lực quân sự, tướng Ryan nói. Cuối cùng, Mỹ cũng cần lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ cùng đối phó Nga, cấm các tàu chiến Nga đi qua eo biển Bosphorus. Eo biển Bosphorus là tuyến đường hàng hải duy nhất kết nối Biển Đen với Địa Trung Hải, là lối ra của Hạm đội Biển Đen Nga. Theo Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm bất cứ tàu thuyền nào đi qua eo biển nếu “cảm thấy dấu hiệu nguy hiểm hoặc bị đe dọa”.

Theo tướng Ryan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể lấy lý do xung đột ở Ukraine đe dọa lợi ích của nước này, do đó cần cấm tàu thuyền Nga đi qua eo biển, nhưng vẫn đảm bảo quyền đi lại của các tàu Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên điều khó xảy ra do hiện tại, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang tốt hơn bao giờ hết. Chính quyền tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Rediep Taiip Erdogan đã bất chấp cấm vận của Mỹ để ký kết hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga

Chiến thuật của Putin và hệ quả đối với Nga

Giáo sư Hartwell đánh giá Tổng thống Nga Putin rất giỏi trong các toan tính chiến lược. Chiến thuật của Putin từng thành công trong cuộc chiến năm 2000 ở Chechnya, năm 2008 ở Gruzia và 2014 ở Crimea.  Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với giai đoạn năm 2014 – 2015, khi Nga có thể gây bất ngờ cho phương Tây. Ukraine giờ đây đã mạnh hơn nhiều, cả trên khía cạnh kinh tế và quân sự. Các hoạt động tập trung binh lực, vũ khí của Nga không tránh khỏi sự chú ý của phương Tây, khiến ông Putin khó có thể phát động chiến dịch quân sự một cách bất ngờ, từ đó giúp Ukraine có thời gian phản ứng.

Giáo sư Hartwell nhận định, Nga hoàn toàn có thể hứng chịu tổn thất lớn ở Ukraine, tương tự như những gì Liên Xô từng gặp phải ở Afghanistan. NATO dù không can thiệp quân sự trực tiếp, có thể tích cực hỗ trợ hậu cần, cố vấn giúp Ukraine phát động chiến tranh du kích trong nhiều năm, từ đó khiến Nga hứng chịu tổn thất lớn. Tình hình kinh tế của Nga hiện tại vẫn còn nhiều rủi ro hậu quả từ việc cấm vận của phương Tây. Nếu cuộc chiến kéo dài, chưa chắc chính phủ của Nga chịu đựng nổi các chi phí do cuộc chiến mang đến

Nhiều người cho rằng Nga không thể trở nên hùng mạnh nếu không có Ukraine nhưng cũng có thể bị suy yếu nặng nề nếu sa lầy trong một cuộc xung đột quân sự không có hồi kết. Giải pháp tốt nhất của Nga có lẽ là kích động các phong trào ly khai để xé nhỏ Ukraine, tạo các vùng đệm để bảo vệ Nga và từ từ có phương án sáp nhập vào Nga như bán đảo Crimea

Leave A Reply

Your email address will not be published.