Cô vịt Siwash của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong thế chiến thứ 2 – Us Marine Siwash duck

0 273

Cô vịt Siwash được xem là biểu tượng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong thế chiến thứ 2 – Us Marine Siwash duck khi đã tham chiến ở những chiến trường khốc liệt nhất như trận Tarawa, Saipan và Tinian và còn được phong tặng huy chương Trái tim tím (Purple Heart) cho hành động dũng cảm 

Trận chiến ở đảo Tarawa, trung tâm Thái Bình Dương, vào tháng 11/1943 là một cuộc chiến đẫm máu trong Thế chiến II với hơn 6.000 người chết. Tham gia trận chiến ấy có hơn 18.000 thủy quân Mỹ và… đặc biệt nhất là một cô vịt có tên là Siwash.

Cô vịt Siwash được đánh giá là một trong những con vật đặc biệt nhất từng tham gia lực lượng quân đội. Cô vịt này gia nhập lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ một cách không chính thức vào năm 1943 sau khi Trung sĩ Francis “Pappy” Fagan thắng được nó trong một giải đấu poker tại một quán rượu ở New Zealand.

Theo báo Thủy quân, cô vịt được đặt theo tên của trung sĩ Jack “Siwash” Cornelius, đồng đội của Fagan. Từ sau dạo đó, Siwash luôn túc trực bên cạnh người chủ mới, đi theo ông đến khắp mọi nơi và trở thành linh vật không chính thức thứ 2 của lực lượng quân đội.

Những người lính rất thích “chuốc” rượu Siwash. Con vật này không động đến bia tươi mà nó chỉ thích bia ấm theo đúng phong cách của New Zealand. Bên cạnh khả năng uống rượu của Siwash, sự dũng cảm của cô vịt này mới chính là điều khiến lực lượng hải quân phải nể phục.

Chúng tôi trân trọng Siwash đến nỗi không nghĩ đến chuyện ăn thịt nó” – Đại tá Presley M. Rixey nói với Chicago Tribune. Sự kiên cường của Siwash khiến những người lính ban đầu nghĩ nó là vịt đực trước khi con vật khiến tất cả mọi người ngỡ ngàng… khi nó đẻ trứng.

Trong trận chiến tại đảo Tarawa, vịt Siwash của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ – US Marine Siwash duck đã chứng tỏ bản thân là một thành viên xứng đáng của lực lượng hải quân. Lực lượng thủy quân lục chiến xông vào trận chiến trên bãi biển giữa bom đạn loạn lạc, theo sau là cô vịt Siwash.

Con vật bắt đầu tìm kiếm mục tiêu và nhắm thẳng vào một con gà trống Nhật Bản. Cả hai con vật xông vào trận chiến dành riêng cho động vật. Siwash đã bị đối thủ mổ vào đầu vài phát nhưng con vật vẫn gắng gượng chiến đấu đến cùng và giành chiến thắng vẻ vang. Theo lời Fagan mô tả với AP vào năm 1944 thì con gà trống kia không hề có một chút cơ hội nào để đối đầu với vịt Siwash.

Sau cuộc chiến ấy, Siwash được trao giải thưởng Trái tim tím (Purple Heart) để vinh danh hành động dũng cảm, không ngại giao chiến với kẻ thủ của cô vịt.

Bích chương của cô vịt Siwash được xem là biểu tượng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong thế chiến thứ 2 - Us Marine Siwash duck in WW II
Bích chương của cô vịt Siwash được xem là biểu tượng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong thế chiến thứ 2 – Us Marine Siwash duck in WW II

Bất chấp những vết thương ở đầu vì bị con gà trống của quân đội Nhật Bản tấn công, Siwash vẫn trụ được đến phút cuối cùng, đánh bại đối thủ. Chưa dừng lại ở đó, Siwash còn không chịu tiếp nhận điều trị y tế cho đến khi tất cả những người đồng đội của mình được đưa đến nơi điều trị an toàn.

Trận Tarawa không phải là trận chiến duy nhất của Siwash. Con vật này còn tham gia 2 trận chiến khốc liệt khác, bao gồm ở Saipan và Tinian. Trong trận Saipan, Siwash chỉ đứng trên tàu quan sát. Tại trận chiến ở Tinian, Siwash trực tiếp tham chiến và bắt được một con vịt tên Jap thuộc phe kẻ thù.

Cuối năm đó, Siwash trở về Mỹ và được chào đón như một vị anh hùng, xuất hiện trên 2 chương trình radio, tham gia một bữa tiệc trưa được phục vụ những ly bia khoái khẩu. Tận dụng sự nổi tiếng của Siwash, trung sĩ Fagan đã đưa con vịt đi đến khắp mọi nơi để xúc tiến việc bán trái phiếu chiến tranh.

Sau Thế chiến II, Siwash được đưa đến sở thú Lincoln Park, Chicago, nơi con vật sống cho đến thời điểm qua đời vì bệnh gan vào năm 1954. Thi thể của Siwash được nhồi bông và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia về Thủy quân lục chiến ở Triangle, Virginia.

Nhiều thập kỷ sau, vào năm 1980, Fagan đã thừa nhận một sự thật rằng Siwash vốn dĩ không hẳn là một con vịt anh dũng như mọi người vẫn nghĩ tại bữa tiệc nghỉ hưu của mình. “Thực tế là Siwash đã bị con gà kia đuổi đánh dữ dội” – Fagan nói.

Bất chấp “lời thú tội ngọt ngào” của ông Fagan, câu chuyện về cô vịt dũng cảm tham gia Thế chiến II được nhận cả huy chương vinh danh vẫn được lưu truyền đến tận ngày nay và khiến bao người ngưỡng mộ.

Leave A Reply

Your email address will not be published.