So sánh tàu ngầm tối tân Nga – Mỹ: Yasen vs Virginia submarine

So sánh tàu ngầm tối tân Nga - Mỹ: Yasen vs Virginia

0 412

Mỹ và Nga đều là cường quốc về tàu ngầm. Chúng ta thử so sánh tàu ngầm hạt nhân Virgina của Mỹ và tàu ngầm hạt nhân Yasen của Nga – Russian Yasen vs Us Virginia submarine

Tàu ngầm Virginia là một lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân cực kỳ tinh vi của Mỹ, còn tàu ngầm Yasen lại có khả năng cơ động cao cùng hệ thống hỏa lực mạnh của Nga. Chúng ta thử so sánh tàu ngầm hạt nhân Virgina của Mỹ và tàu ngầm hạt nhân Yasen của NgaRussian Yasen vs Us Virginia submarine

Để tiếp tục duy trì sự thống trị đại dương trong lĩnh vực tàu ngầm tấn công hạt nhân , Nga, Mỹ đã chi hàng tỷ USD cho việc phát triển các tàu ngầm tấn công hạt nhân mới ngày càng tinh vi hơn. Trong khi Nga khá chật vật với chương trình phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen (NATO định danh là Graney) thì Mỹ cũng phải chi không ít tiền cho chương trình tàu ngầm tấn công lớp Virginia.

Hệ thống điện tử

Có thể nói hệ thống điện tử chính là nhân tố tạo nên sức mạnh vượt trội của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, không chỉ với đối thủ trực tiếp của nó là tàu ngầm Yasen mà còn đối với những tàu ngầm tấn công hạt nhân khác trên thế giới.

Cột buồm lượng tử ánh sáng là một bước đột phá công nghệ của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia mà Yasen không có được.

Tàu ngầm hạt nhân Virginia mang trong mình những công nghệ điện tử hàng hải dưới nước mà những tàu ngầm khác chưa được áp dụng, kể cả Yasen . Đầu tiên, phải kể đến là hệ thống cột buồm lượng tử ánh sáng được trang bị thay cho kính tiềm vọng truyền thống.

Tàu ngầm lớp Virginia được trang bị một cặp cột buồm lượng tử ánh sáng AN/BVS-1. Hệ thống này bao gồm một máy ảnh độ phân giải cao có khả năng ghi hình trong điều kiện ánh sáng yếu cùng hệ thống cảm biến hồng ngoại, máy đo khoảng cách laser và hệ thống hỗ trợ điện tử tích hợp.

Hình ảnh thu được từ các cảm biến sẽ được truyền qua hệ thống cáp quang thông qua một bộ vi xữ lý để hiển thị tín hiệu thu được lên màn hình LCD đa chức năng trong phòng chỉ huy trung tâm. Đây là một giải pháp thiết kế mang tính cách mạng đối với tàu ngầm. Việc sử dụng cột buồm lượng tử ánh sáng cho phép giải phóng không gian bên trong phòng chỉ huy trung tâm đồng thời giảm được nguy cơ rò rĩ nước.

Trong khi đó, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen vẫn sử dụng kính tiềm vọng truyền thống. Vì vậy, ở khía cạnh này, tàu ngầm lớp Virginia đã có một bước đột phá về công nghệ so với Yasen.

Cảm biến chính của tàu ngầm tấn công hạt nhân Virginia là hệ thống định vị thủy âm tốc độ cao AN/BQQ-10 (V4). Đây là một hệ thống sonar kiến trúc mở cho phép cập nhật cực kỳ nhanh chóng cả phần mềm lẫn phần cứng.

Yasen cũng là tàu ngầm đầu tiên của Nga được trang bị hệ thống sonar tích hợp Irtysh/Amfora với một mảng cầu lớn ở trước mũi, một mảng ở thân tàu và một mảng kéo theo. Đây cũng là một hệ thống sonar tiên tiến nhất của Nga hiện nay.

Thế nhưng, hệ thống sonar AN/BQQ-10 vẫn có lợi thế nhất định so với đối thủ, nó là một hệ thống sonar kiến trúc mở nên dễ dàng cập nhật liên tục công nghệ để luôn dẫn đầu. Mặt khác, hệ thống này được thiết kế để sử dụng chung cho tất cả các tàu ngầm mà không cần phải thiết kế riêng.

Một tính năng “đỉnh” khác của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia là hệ thống kiểm soát chiến đấu tích hợp AN/BSY-1 nâng cấp. Trang web Naval-technology. com đánh giá: “Với hệ thống AN/BSY-1 nâng cấp, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia sở hữu hệ thống phân phối ngư lôi tiên tiến nhất thế giới”.

Một thế mạnh khác về hệ thống điện tử mà tàu ngầm Yasen của Nga không có được là hệ thống trinh sát mìn tầm xa LMRS. Hệ thống này bao gồm 2 robot không người lái có chiều dài 6 mét cùng một cánh tay robot có chiều dài 18 mét để triển khai và thu hồi robot do thám.

Điểm qua những hệ thống trên, có thể thấy rằng sự vượt trội về hệ thống điện tử của tàu ngầm Virginia so với Yasen là điều không phải bàn cãi.

Vũ khí

Theo Naval-technology, về cơ bản, tàu ngầm tấn công hạt nhân Yasen được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng có thể sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr tầm bắn 900km hoặc tên lửa hành trình chống hạm 3M51 Alfa tầm bắn 300km. Đặc biệt, tàu ngầm này có thể trang bị tên lửa chống hạm P-800 Oniks (tên xuất khẩu là Yakhont ) được đánh giá là đáng sợ nhất thế giới với tầm bắn lên tới 300km. Ngoài ra, Yasen còn có 8 ống phóng ngư lôi.

Trong khi đó, tàu ngầm tấn công hạt nhân Virginia vẫn giữ nguyên hệ thống vũ khí giống như người tiền nhiệm của nó là tàu ngầm lớp Los Angeles. Hệ thống vũ khí bao gồm 12 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa Tomahawk, 4 ống phóng ngư lôi 533mm.

Ở mặt này, tàu ngầm hạt nhân Yasen có một lợi thế là lượng giãn nước lớn hơn nên khả năng mang vũ khí nhiều hơn Virginia.

Trong một bài viết mới đây, tờ IBtimes của Anh còn cho biết tàu ngầm lớp Yasen còn có thể được trang bị tên lửa hành trình RK-55 Granat mang đầu đạn có đương lượng nổ 200 kiloton. Theo bài viết, các chuyên gia quân sự phương Tây đã bắt đầu tỏ ra lo ngại với lớp tàu ngầm Yasen của Nga. Họ cho rằng lớp tàu ngầm được mệnh danh “quái thú dưới đại dương” này đang dần trở thành một mối đe dọa lớn với Anh và Mỹ. Một nguồn tin tình báo hải quân Anh nhận định rằng có thể phương Tây “chỉ nắm được phân nửa về những loại vũ khí được trang bị trên tàu ngầm lớp Yasen”.

Khả năng tàng hình

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia có một bước đột phá trong hệ thống động lực, nó sử dụng hệ thống bơm phun (pump jet) để di chuyển thay vì sử dụng chân vịt, điều đó giúp tàu ngầm hoạt động êm hơn dưới nước, tuy không hẳn là giảm âm thanh bằng 0, vì vẫn có bọt khí bắn ra nổ li ti. Bên cạnh đó, tàu ngầm lớp Virginia còn được trang bị lớp gạch hấp thụ sóng âm thanh cùng hệ thống che chắn độ bộc lộ âm thanh, điện từ tiên tiến giúp nó trở nên vô hình dưới nước.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen là một nỗ lực lớn của người Nga trong việc vượt qua Mỹ về khả năng tàng hình dưới nước. Yasen được làm từ thép từ tính thấp cùng lớp gạch hấp thụ sóng âm thanh và các biện pháp che chắn độ bộc lộ âm thanh, điện từ hiện đại.

Tháng 08/2009, báo cáo của Văn phòng tình báo hải quân Mỹ nhận định “Yasen là tàu ngầm tấn công hạt nhân êm nhất của Nga nhưng vẫn kém hơn so với tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia hay Seawoft”. Tuy nhiên đây có thể chỉ là đánh giá chủ quan từ 1 phía bài viết thể hiện quan điểm từ phía Mỹ

Cần nói thêm, cả hai tàu ngầm đều là đỉnh cao của công nghệ tàu ngầm của Nga và Mỹ và khi đọ sức với nhau, sẽ khá tương xứng. Yasen có thể chậm hơn, ít cảm biến tinh vi hơn (theo những gì được công bố, mọi thứ vẫn nằm trong bí mật), nhưng nó có thể lặn sâu hơn (thử nghiệm đạt độ sâu 600m), mang lại lợi thế rất lớn khi so với Virginia hoặc các tàu ngầm khác của NATO, dù nó không trang bị động cơ pump jet. Tàu Virginia có thể nhanh hơn, nhưng theo Combat Ships of the World, thân tàu mới chỉ được thử nghiệm ở độ cao 488 mét, độ sâu ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu của tàu ngầm không kém những thông số khác, đây là lợi thế của Nga so với Mỹ về vật liệu chịu áp lực lớn dưới mặt nước, trong khi Mỹ có lợi thế về động cơ pump jet so với Nga (mặc dù Nga từng nghiên cứu nó trên lớp Kilo). Virginia có thể có lợi thế hơn trong việc phát hiện sonar, nhờ vào sonar cung cấp khẩu độ lớn mới. Tuy nhiên chúng ta sẽ chưa rõ Yasen có trang bị sonar mới như thế nào

Nói thêm về Pump-jet hay water jet:

là hệ thống hàng hải tạo ra một dòng nước phụt mạnh để đẩy tàu. Sơ đồ bố trí cơ học có thể là một chân vịt được đặt trong một ống phun, hoặc một bơm ly tâm và một ống phun.

Phát minh này do một nhà sáng chế người Italy có tên Secondo Campini tìm ra vào năm 1931, tuy nhiên ông lại không đăng ký phát minh của mình và do còn gặp phải những hạn chế về vật liệu chế tạo dẫn đến tuổi thọ của thiết bị quá ngắn nên nó đã không thể trở thành một sản phẩm thương mại. Người đầu tiên khắc phục được những nhược điểm đó vào năm 1954 là nhà phát minh người New Zealand – ngài William Hamilton.

Hệ thống đẩy pump-jet thường được sử dụng trên các xuồng và tàu quân sự cỡ nhỏ nhưng gần đây chúng đã bắt đầu xuất hiện lác đác trên một số tàu hải quân lớn và cả tàu ngầm. Nguồn cung cấp năng lượng cho hệ thống này thường là các động cơ diesel hoặc turbin khí. Pump-jet có thể cho phép tàu chạy với tốc độ lên tới 40 hải lý/h thậm chí ngay cả với một thân tàu có kết cấu thông thường (kỷ lục được ghi nhận hiện nay là 75 hải lý/h).

Một số tàu sử dụng hệ thống đẩy pump-jet có thể kể ra gồm tàu tuần tra lớp Dvora Mk-III của Israel, tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Hamina của Phần Lan, tàu hộ vệ tên lửa lớp Valour của Nam Phi và đặc biệt là hệ thống pump-jet còn xuất hiện trên các tàu chiến ven bờ LCS của Hải quân Mỹ hay trên tàu ngầm hạt nhân lớp Triomphant (S616) của Pháp.

Nguyên tắc hoạt động của hệ thống đẩy pump-jet có thể mô tả như sau: chân vịt đóng vai trò cánh bơm hút nước biển qua lối vào (thường tại đáy tàu) sau đó bánh cánh tăng áp suất lên để tạo lưu động dòng nước, nước được đẩy phụt qua ống phun và ống phun biến đổi áp suất nước thành tia tốc độ cao, chính sự gia tốc của dòng nước tạo thành lực đẩy giúp tàu di chuyển. Ngoài ra, một số tàu sử dụng pump-jet còn có thể chạy lùi bằng cách đảo ngược dòng nước thoát khỏi ống phun về phía trước nhờ các tấm đảo chiều.

Ưu điểm như sau:

– Đạt được tốc độ cao hơn trước khi hiện tượng xâm thực hình thành do tăng áp suất nội động lực

– Sức cản thấp đặc biệt khi hoạt động ở tốc độ cao do không có các thiết bị dưới nước (ví dụ như bánh lái)

– Mật độ tập trung năng lượng cao (về phương diện lưu lượng) của cả thiết bị đẩy lẫn động cơ bởi vì có thể sử dụng các máy cao tốc, kích thước nhỏ gọn

– Bảo vệ được các chi tiết quay và làm cho hoạt động của phương tiện an toàn hơn đối với môi trường biển

– Hoạt động tốt ở vùng nước nông vì chỉ cần lấy nước ngập đường vào là đủ

– Nâng cao khả năng vận động bằng cách thêm vào một ống đạo lưu quay được để tạo ra lực đẩy chéo

– Tiếng ồn nhỏ giúp giảm tín hiệu âm thanh nhờ đó tránh được sự phát hiện của máy dò âm của tàu đối phương.

Tuy nhiên, hệ thống này cũng có một số nhược điểm như:

– Hiệu suất kém hơn chân vịt khi hoạt động ở tốc độ thấp

– Chi phí rất cao cả vận hành lẫn bảo dưỡng

– Rất hay bị kẹt do rong biển, rác, mảnh vụn… bị hút vào và quấn quanh chân vịt.

– Thời gian bảo dưỡng tăng cao

Với những ưu nhược điểm kể trên, đặc biệt là những tồn tại chưa khắc phục được liên quan tới vấn đề hiệu suất và chi phí khiến cho hệ thống đẩy pump-jet chỉ thích hợp với những lực lượng hải quân lớn, có nguồn kinh phí dồi dào còn đối với những lực lượng hải quân nhỏ hoặc có kinh phí hoạt động hạn chế thì sử dụng chân vịt sẽ là phù hợp hơn. Điều này có thể giải thích vì sao tàu ngầm Kilo 877 Alrosa hay tàu tên lửa BPS-500 của Việt Nam được thiết kế với hệ thống đẩy pump-jet lại không được tiếp tục nhân rộng.

Yasen là lớp tàu kế tiếp thay thế Akula, bản thân Akula cũng đã thể hiện xuất sắc khả năng tàng hình khi nhiều lần bất ngờ nổi lên ngay gần lãnh hải Mỹ, như vụ việc nó nổi lên bất ngờ năm 2012 tại vịnh Mexico trong khi theo tuyên bố nó ở đó 1 tuần

Khả năng cơ động

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen được trang bị lò phản ứng hạt nhân áp lực nước PKM công suất 200MW, tốc độ tối đa khi nổi 20 hải lý/h, tốc độ tối đa khi lặn 35 hải lý/h. Trong khi đó, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia được trang bị lò phản ứng hạt nhân S9G công suất 29,8MW. Tốc độ tối đa khi lặn 25 hải lý/h. Yasen có lợi thế hơn Virginia về khả năng cơ động, tốc độ khi lặn dưới nước của nó nhanh hơn đáng kể.

Nhìn chung, Virginia là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân cực kỳ tinh vi, còn Yasen lại có khả năng cơ động cao cùng hệ thống hỏa lực mạnh.

Tuy nhiên, giống như Akula so với Los Angeles , Yasen lại tiếp tục gặp bất lợi về số lượng. Hiện tại, hải quân Mỹ đã có 10 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia đi vào hoạt động trong kế hoạch đóng mới 30 chiếc đã được phê duyệt. Trong khi đó, Yasen mới chỉ có một chiếc đi vào hoạt động trong kế hoạch 12 chiếc.

Leave A Reply

Your email address will not be published.